CHUYỆN CON HEO NĂM KỶ HỢI

  • 22 Tháng Ba, 2019
  • Đăng bởi editor
Nay một mùa xuân nữa lại về trên xứ người. Mai, đào vẫn còn ngơ ngác trước mùa đông chưa dứt. Trước thềm năm mới, cầu xin Đất Trời phù hộ để đàn con lưu lạc sớm có ngày đoàn tụ trên quê hương thân yêu trong một cái Tết thanh bình với mùi vị, màu sắc xuân thật sự.

Trong các loài gia súc, nếu con chó được được xem là bạn thân nhất của loài người, thì con heo cũng được sắp vào hạng thân thiết thứ nhì. Thân thiết đây không có nghĩa là heo được ôm ấp, cưng chiều như chó, mèo, nhưng là sự gần gũi và sự thiết thực của nó đối với đời sống hàng ngày của chúng ta.

Tuy hình ảnh của con heo không được thanh lịch, nhưng nó đã được đi vào ca dao, tục ngữ rất nhiều bởi hương vị ngon lành, thơm tho của thịt heo mang lại:

“Con gà cục tát lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng, khóc ngồi
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”

Bởi ai sành ăn uống cũng biết thịt của mỗi giống vật, đi đôi với các thứ rau thơm, tạo cho thịt có một mùi vị riêng biệt, mỗi lần ngửi thứ rau gia vị này, người ta lại nghĩ ngay đến ngay món thịt đó. Như thịt gà được nấu với lá chanh thì thơm hơn, thịt heo có hành, giậy mùi hơn, thịt chó muốn ngon thì phải có mùi củ riềng.

Trong dịp lễ lạc, nhất là dịp Tết, con heo là một hình ảnh sung túc, no đủ của gia chủ “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”. Thịt mỡ đây không phải là mỡ gà, mỡ bò, mỡ cá hay mỡ trâu, mà nhất định phải là mỡ heo! Cái chất mỡ dinh dưỡng của miếng ba rọi luộc, hay miếng thịt heo quay giòn thơm ngát. Thịt mỡ của một nồi thịt kho óng ánh như hổ phách, bên cạnh những cái hột gà có màu ngà như làn da một cô gái dậy thì. Thịt mỡ của món thịt đông, lạnh, đẹp như một miếng cẩm thạch. Thịt mỡ ngọt ngào trong nhưn của bánh chưng xanh. Năm mới không có thịt heo là thiếu tất cả.

chuyen-con-heo-nam-ky-hoi1

Trong thân thể con heo, hầu như cái gì cũng ăn được và đều rất ngon. Móng heo hầm với đu đủ xanh, cho các bà đang “ở cử” ăn vào để có nhiều sữa cho con bú; dĩ nhiên không quên món bún bò Huế (bún bò, giò heo). Lòng heo luộc chấm mắm tôm, lòng heo phá lấu. Da heo làm gỏi, da khô làm cơm tấm bì. Một món mà dân nhậu ghiền là tiết canh heo. Một đĩa tiết canh ngon, nhìn cũng rất đẹp mắt, với gan, mề, dồi, sụn, thịt nạc, chen lẫn khéo léo trong một chất huyết, đặc không ra đặc, lỏng không ra lỏng-và đó là một nghệ thuật từ những bàn tay đánh tiết canh nhà nghề. Bên trên được rắc đều với những hạt đậu phụng rang vàng. Và sau cùng, trên mặt được trang điểm bằng những lá quế xanh ngắt.

Món heo quay cũng rất được chuộng trong các dịp lễ, cúng kiếng. Đặc biệt đầu heo, được dùng trong ngày thứ hai của đám cưới gọi là “nhị hỉ” như một nhân chứng. Nếu chẳng may cô dâu, vì bất kỳ lý do gì, không chứng minh được sự trinh trắng của mình trong đêm động phòng tân hôn, thì cái đầu heo, sẽ bị cắt mất một lỗ tai, và sẽ được gia đình chàng rể gởi cả đầu heo lẫn cô dâu trả về “nguyên quán”.

Hình ảnh con heo gắn liền với người vợ đảm đang, một người mẹ hiền gương mẫu, thắt lưng, buộc bụng nuôi chồng, nuôi con, lại còn vất vả nuôi heo – canh làm sao cho heo lớn kịp, đúng dịp cuối năm để bán lấy lời, mua sắm cho gia đình, sửa soạn đón xuân. Sự bận rộn của người vợ không được anh chồng thông cảm, vì thế mới có cảnh:

“Đang khi lửa tắt cơm sôi
Lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem”

Vợ muốn chiều chồng nên phải đánh đông, dẹp tây với nồi cơm, với con dại, với con lợn đang đến cử đòi ăn, rồi mới thỏ thẻ:

“Bây giờ lửa đã nhúm lên
Lợn no, con nín, tòm tem thì tòm”

Có lẽ con heo ít hoạt động, tối ngày chỉ ủn ỉn đòi ăn, nên cổ nhân mới có câu “tuổi Hợi nằm đợi mà ăn”. Không biết ở xứ nào trên trái đất chỉ nằm không mà được ăn, chứ ở Việt Nam thì phải “lao động” mới “là vinh quang”, còn “lang thang là chết đói” liền. Xứ Mỹ này cũng thế thôi! Trừ mấy ông bà nằm nhà chờ lãnh “oeo phe”. Không lẽ họ đều tuổi Hợi?

Tuy con heo có nhiều lợi ích và gần gũi với đời sống dân gian nhưng nó lại cũng bị người đời gán cho nhiều tánh hư, tật xấu nhất. Như: hôi như heo, ngu như heo, lười như heo, xấu như heo, dơ như heo, ăn tạp như heo, bụng phệ như heo, mập như heo, xệ như heo nái, mắt như mắt lợn luộc. Phim khiêu dâm được gọi phim con heo, chuyện phòng the gọi là chuyện con heo. Mấy ông hảo ngọt, lăng nhăng, nghe câu này chắc không còn dám hó hé nữa:

“Một vợ nằm giường Lèo
Hai vợ nằm chèo queo
Ba vợ ra chuồng heo mà nằm”

Nuôi heo vừa cực khổ, vừa dơ, nên trước năm 1975, chỉ ở nhà quê, hay những nhà xa thành thị mới nuôi heo, nhưng sau khi Cộng Sản gọi là “giải phóng miền Nam”, chuồng heo mọc lên như nấm khắp nơi. Nuôi heo bán kiếm tiền độ nhật. Tuy vậy đối với dân nghèo, nhất là trẻ em miền thượng du thì thịt heo là một xa xỉ phẩm, là một giấc mơ không rời. Một danh từ không được thanh tao để gọi người đi gây giống, nuôi heo, bán heo, thiến heo là “Lái Lợn”. Con heo nổi tiếng trong các tuồng tích là Trư Bát Giới trong phim “Tam Tạng Thỉnh Kinh”. Ông Heo này rất khoái đàn bà, con gái đẹp, nên nhiều phen đã làm cho Tam Tạng phải chao vao, vất vả: và Tôn Ngộ Không đã phải nhọc công giải cứu. Cuối cùng Trư Bát Giới cũng được phước đức của ngài Tam Tạng mà tu thành chánh quả.

Tranh dân gian vẽ con heo nói lên nếp sống mộc mạc, giản dị, sung túc của một xứ Việt Nam thanh bình thịnh trị.

Nay một mùa xuân nữa lại về trên xứ người. Mai, đào vẫn còn ngơ ngác trước mùa đông chưa dứt. Rượu nhạt phếch đầu môi. Tâm tư người Việt tha hương đều gửi về cố quốc, bên kia nửa quả địa cầu. Trước thềm năm mới, cầu xin Đất Trời phù hộ để đàn con lưu lạc sớm có ngày đoàn tụ trên quê hương thân yêu-trong một cái Tết thanh bình với mùi vị, màu sắc xuân thật sự:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

Thu Nga

Thương mại

MYVIET INC
  • 25 Tháng Một, 2019
  • Đăng bởi editor
MY VIET MAGAZINE
  • 25 Tháng Một, 2019
  • Đăng bởi editor
cach-xin-nha-chinh-phu
LÀM THẾ NÀO ĐỂ NỘP ĐƠN XIN TRỢ CẤP NHÀ Ở THEO MỤC 8 (SECTION 8) Ở TEXAS

Trong Chương trình Section 8, người thuê nhà trả khoảng 30 phần trăm thu nhập...

  • 5 Tháng Sáu, 2019
  • Đăng bởi editor
Xem thêm
Tết trung thu
TẾT TRUNG THU

Hàng năm, khoảng đầu tháng 8 Âm lịch, Ngưởi Việt ở khắp nơi trên thế...

  • 14 Tháng Mười Hai, 2018
  • Đăng bởi editor
Xem thêm
ĐỂ CON TRẺ PHÁT TRIỂN BÌNH THƯỜNG KHI BỐ MẸ LY HÔN

Hôn nhân tan vỡ là là điều không ai muốn. Tuy nhiên ta chỉ sống...

  • 18 Tháng Mười Một, 2019
  • Đăng bởi editor
Xem thêm
Easter-1
Câu Chuyện về Thỏ Phục Sinh

Những câu chuyện về thỏ và trứng xung quanh lễ Phục Sinh chưa bao giờ...

  • 15 Tháng Năm, 2019
  • Đăng bởi editor
Xem thêm