Từ mấy tháng qua, tin tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos, chủ nhân đại công ty bán lẻ trên mạng Amazon ly dị vợ MacKenzie sở dĩ được khắp năm châu, bốn biển hồi hộp theo dõi một phần cũng là vì công ty Amazon đang can tội đánh gần sập hoặc làm xính vính một số không ít các công ty bán lẻ lớn (retailers) truyền thống tại Mỹ, kể cả các thương hiệu danh tiếng như Macy’s, Kohl’s, và J.C. Penny, và luôn cả các anh chàng khổng lồ như K-Mart, Sears, và Payless ShoeSource. Bởi vì lúc các thương hiệu này đang ngất ngư thì lại trúng thêm đạn của Amazon nên đành phải sớm khai phá sản. Mặc dù tại Mỹ còn có các công ty bán hàng trên mạng khác như eBay và Google, nhưng tầm ảnh hưởng và sức “tàn phá” của các công ty này không thể nào sánh được với Amazon.
Một bài báo trên trang mạng GuruFocus.com ngày 7/3/2017 đã mạnh dạn tiên đoán rằng “việc buôn bán trên mạng đang giết chết hoạt động bán lẻ truyền thống”. Trong khi đó, Tổng Thống Donald Trump, vào hôm 31/3/2018, đã tweet rằng “Amazon đang đẩy hàng nghìn nhà bán lẻ ra khỏi thương trường”. Như vậy, chẳng chóng thì chầy, hầu hết các thương hiệu bán lẻ tại Mỹ sẽ phải khai phá sản hoặc âm thầm đóng cửa, và may lắm thì chỉ có một số công ty bán lẻ có tầm cỡ, như Walmart chẳng hạn, mới sống sót nhờ vào giá cả hàng hóa do họ bán ra tương đối phải chăng và hệ thống chạy hàng còn đủ sức đáp ứng nhu cầu “hàng tốt, giá rẻ” trên thị trường. Và viễn ảnh có thể thấy được là các khách hàng vẫn ưa thích việc đi sắm hàng tại các cửa hiệu, sẽ bị hụt hẩng vì mất đi cái thú shopping thân thương trong số các thú vui của đời sống xô bồ bên Mỹ.
Thế nhưng, trước hết, xin nói đến những điều bất tiện khi sắm hàng trên online cái đã.
Mua hàng trên online tuy tiện nhưng chưa chắc lúc nào cũng có lợi, bởi nó tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, đặc biệt là mua sắm quần áo. Nhiều khách hàng nữ sau khi nhận được món hàng đã chọn trên mạng đã thất vọng không hiểu tại sao cái áo choàng mà cô người mẫu mặc như thấy chụp trên tấm hình quảng cáo thì lung linh quá vậy mà khi đến tay mình thì nom chẳng đẹp đẽ tí nào. Màu sắc trang phục nhìn trên màn hình và trên thực tế có khi cũng còn khác biệt nhau nhiều lắm, cho nên thật không gì bằng được thấy tận mắt và sờ tận tay sản phẩm mà mình sắp mua về. Vì không thể thử trang phục tại chỗ nên những món quần áo mua trên online khó có thể vừa vặn với thân hình của khách hàng, mặc dù người mua đã biết chính xác số đo cơ thể của mình. Cụ thể hơn, những chiếc váy bodycon và quần skinny là loại trang phục mà các bạn gái bắt buộc phải thử mới biết rằng chúng có vừa và hợp với mình hay không, trừ phi bạn có đủ tự tin rằng mình có thân hình và dáng dấp chuẩn mực chẳng kém gì đám người mẫu Victoria’s Secret!
Ngoài ra, còn có cái nạn khi phải đổi hoặc trả một sản phẩm đã mua nhưng không được vừa ý nữa. Trường hợp nếu mua hàng tại một cửa hiệu truyền thống thì chuyện này chả có gì là khó, người mua chỉ cần chạy vù ra nơi đó xin trả lại hoặc đổi lại là xong. Nhưng đối với những món hàng mua từ các công ty bán lẻ trên mạng thì phải chờ, chưa biết được thời gian là bao lâu.
Vì sao đi shopping lại là cái thú, đặc biệt là cái thú của quý bà, quý cô?
Phải thật thà mà nói, nam giới thường xem chuyện mua sắm các vật dụng hay quần áo mới là chuyện cực chẳng đã, mỗi tháng đi shopping một lần đã là quá nhiều rồi. Thế nhưng, đối với phái nữ thì chuyện đi shopping là khác. Có một số phụ nữ đi shopping vào mọi lúc mọi nơi với mọi lý do, và việc đi vào các trung tâm thương mại để mua một món đồ gì đó trở thành một thói quen và được coi là cách “xả stress” hiệu quả nhất. Và rồi các đức ông chồng vì yêu vợ đành phải dần dà chiều ý các cô, các bà mà để cho họ tự do shopping, mặc dù đôi khi lòng cũng chợt quặn thắt khi thấy ngân sách gia đình phải chi ra một khoản không nhỏ cho các món hàng mà bà chủ khuân về từ các cửa hàng bán lẻ.
Khỏi phải nói, người phụ nữ có cả trăm, nghìn lý lẻ để bênh vực cho cái thú đi shopping của mình mà trí não của các ông không thể nào hiểu nổi. Này nhé, đi shopping là môn thể dục, thể thao lý tưởng nhất của người phụ nữ để chống bệnh “mập” mà khỏi phải tốn tiền bạc cũng như thì giờ ghi danh và tập luyện tại các trung tâm thể hình. Kế đó, đi shopping là hình thức giải trí tiện lợi và ít tốn tiền nhất so với việc phải bỏ tiền ra đi du lịch, điều mà các đức ông chồng tương lai vẫn ưa hứa hẹn trước khi cưới được nàng công chúa, tỉ dụ như khe khẽ hát câu “anh xin đưa em về, về quê hương ta đó, anh xin đưa em về, về quê hương tuyệt vời” nhưng nay vì quá bận bịu công kia, việc nọ và có khi cũng sợ tốn tiền nữa nên anh đã không thể thực hiện lời hứa với vợ hiền. Hơn nữa, khi đi shopping, người phụ nữ đâu phải chỉ mua sắm cho riêng mình mà còn có thể mua sắm luôn cho các con và cho cả ông xã nữa nếu gặp được mấy món hời. Và điều quan trọng hơn hết chính là muốn giúp cho những công ty, những siêu thị… tiêu thụ được hàng hóa để có thể sống còn trong thời buổi các công ty bán hàng trên mạng đang ra sức ăn hiếp các công ty bán lẻ dưới đất đến độ các cửa hàng quen thuộc đang phải từ từ dẹp tiệm, khiến giới phụ nữ đành phải mất đi cái thú shopping thân thương của mình.
Mai mốt đây trong tương lai, khi Amazon và eBay đã xóa sổ hoặc đánh què hết mọi cửa hàng truyền thống trên đất Mỹ thì cái thú đi shopping của quý cô, quý bà sẽ đi về đâu? Đối với một số chị em phụ nữ, cảm giác được tận tay mân mê một đoạn vải may áo dài mượt mà hoặc một chiếc xách tay bằng da mềm mại hiệu Gucci trước lúc quyết định mua món hàng đó về xem ra còn sướng hơn là được sờ vào làn da rắn chắc trên chiếc bụng 6 múi của một chàng trai cường tráng nữa đó. Người viết bài này trộm nghĩ, khi cánh cửa của các cửa hiệu bán lẻ truyền thống đã vĩnh viễn khép lại, lúc ấy quý vị phụ nữ có thể sẽ phải lục lọi ra từ trong ký ức bài thơ “Nhớ Rừng” của Thế Lữ để cho khuây khỏa nỗi niềm và cũng là để tự an ủi lấy mình: “Ta sống mãi trong niềm thương, nỗi nhớ / Thưở tung hoành, hống hách những ngày xưa / Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả, cây già…”
Thanh Hương