QUYỀN QUỐC TỊCH THEO NƠI SINH TẠI HOA KỲ (Kì I)

  • 31 Tháng Một, 2020
  • Đăng bởi editor
Trong bối cảnh chính trị hiện nay, những thuật ngữ liên quan đến di cư, di dân chợt bùng nổ trong xã hội Hoa Kỳ. Trong đó có chữ “birthright”.

“Birthright” diễn dịch một cách đơn giản là “quyền có quốc tịch” theo nơi sinh. Quyền quốc tịch vốn là một chủ đề phức tạp trong quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia. Hơn ai hết, Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, một đất nước được hình thành bởi nhiều chủng tộc, vấn đề quyền quốc tịch luôn luôn là trọng điểm ngay từ ngày lập quốc.
Một cách tổng quát, về nền tảng lý luận luật pháp: sự thành lập quyền quốc tịch của mọi quốc gia trên thế giới đều dựa trên hai khái niệm căn bản là “Jus Sanguinis” và “Jus Soli”.

KHÁI NIỆM “JUS SANGUINIS” VÀ “JUS SOLI”

“Jus Sanguinis” có nghĩa là quyền theo huyết thống. Tức là: Con sanh ra có quyền mặc nhiên thừa hưởng quốc tịch của cha hay mẹ. Đây là khái niệm được chấp nhận ở mọi quốc gia trên thế giới.

“Jus Soli” có nghĩa là quyền quốc tịch theo nơi sanh. Nhiều quốc gia áp dụng khái niệm cho quyền quốc tịch những ai sinh ra trên lãnh thổ. Hiện nay, có 30 quốc gia áp dụng khái niệm Jus Soli, trong đó có Hoa Kỳ.

Trong khi, không cần phải bàn cãi việc đưa ra luật quốc tịch dựa trên khái niệm “Jus Sanguinis”, tuy nhiên, khi áp dụng khái niệm “Jus Soli” thì các quốc gia hầu như phải tùy theo những hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

KHỞI THỦY QUYỀN CÔNG DÂN THEO NƠI SINH RA TẠI HOA KỲ CHỈ ÁP DỤNG CHO NGƯỜI DA TRẮNG

Năm 1787, Hiến Pháp Hoa Kỳ định nghĩa Công Dân là những người sinh ra tại hoặc nhập tịch Hoa Kỳ và những lãnh thổ thuộc quyền tài phán của Hoa Kỳ. Sau khi giành độc lập hoàn toàn từ Vương Quốc Anh, Hoa Kỳ vẫn tiếp nhận những làn sóng di dân từ Âu Châu tiếp tục đổ vào. Do đó, nhu cầu thiết lập quyền công dân cần được nới rộng. Luật nhập tịch năm 1790 viết rằng: “That any Alien being a free white person, who shall have resided within . . . the United States for the term of two years, may be admitted to become a citizen.” Tạm dịch: “Những người da trắng tự chủ có thể được quyền công dân nếu sống tại Hoa Kỳ 2 năm.” Luật còn đòi hỏi người xin nhập tịch phải có nhân thân tốt và tuyên thệ trung thành với Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Luật 1790 cũng cho phép con cái dưới 21 tuổi của những người này, dù không sinh ra tại Hoa Kỳ, cũng được cấp quyền công dân. Luật trên được tu chính vào năm 1795 đòi hỏi thời gian cư trú là 5 năm, đây cũng là tiêu chuẩn trong nhiều năm sau này (ngoại trừ thay đổi vào năm 1798 đòi hỏi 14 năm, nhưng sang năm 1802 lại trở lại 5 năm).

Nhưng luật nhập tịch thời gian này không hề đá động đến hai nhóm dân đông đảo cùng hiện hữu tại xã hội Hoa Kỳ lúc ấy là “dân nô lệ” và những “thổ dân da đỏ”. Những người thuộc hai nhóm này không được xem là công dân Hoa Kỳ lúc đó. Thật mỉa mai, người thổ dân da đỏ mới thật sự là chủ nhân Mỹ Châu và nền văn minh Inca phát triển rực rỡ trước khi Christopher Columbus chưa ra đời. Còn những người gốc Phi Châu bị bắt cóc tại xứ sở của họ rồi bị đem lên các chuyến tàu của người Âu Châu chở sang Mỹ Châu bán làm nô lệ.

Sự thật lịch sử đó nêu rõ bản chất sự hình thành tinh thần kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ.

Ngoài ra, ít người chú ý hay biết về nạn kỳ thị lẫn nhau giữa những người da trắng gốc Âu Châu dù đây là một thực tế tệ hại trong thời kỳ đầu lịch sử Hoa Kỳ. Người Anh và Tô Cách Lan theo Thanh Giáo, hay Tin Lành, qua trước, bạc đãi và hiếp đáp những người Ái Nhĩ Lan và Ý, theo đạo Công Giáo. Do đó, ngay từ sơ khai nền Cộng Hòa Bắc Mỹ, quyền quốc tịch của các di dân thường xuyên bị thách thức.

Một trong những vụ án sớm nhất về quyền quốc tịch theo nơi sinh mà liên quan giữa sắc dân da trắng là vụ Lynch vs Clarke hồi năm 1844. Trong vụ án này, quan tòa Lewis Sandford ra phán quyết một cô con gái, được sinh ra tại tiểu bang New York, có cha mẹ là di dân gốc Ái Nhĩ Lan, là công dân Hoa Kỳ. Khi vụ án xảy ra, cha mẹ cô gái đã trở về cố quốc. Trong án lệnh, thẩm phán Sandford lập luận: “By the law of the United States, every person born within the dominions and allegiance of the United States, whatever were the situation of his parents, is a natural born citizen.” Tạm dịch: “Chiếu theo luật của Hoa Kỳ, mỗi cá nhân sinh ra trong phạm vi chủ quyền và lãnh thổ của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, bất luận hoàn cảnh nào của cha mẹ, là công dân bẩm sinh.”

Tuy nhiên, hệ thống tư pháp Hoa Kỳ lại không áp dụng “Jus Soli” trong trường hợp người liên quan không phải người da trắng.

NỘI CHIẾN NAM BẮC LÀM THAY ĐỔI LUẬT QUỐC TỊCH CHO NGƯỜI GỐC PHI CHÂU

Trong vụ án Dred Scott vs Sandford năm 1857, người đào thoát khỏi tay chủ nô Dred Scott, dòng dõi của nộ lệ từ Phi Châu được sinh ra tại Hoa Kỳ, không được xem là công dân. Chánh án Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ Roger B. Taney ra phán quyết: Không có bất ký dòng dõi nô lệ Phi Châu nào được xem là công dân ngay cả được sanh ra tại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, kết thúc cuộc nội chiến Nam Bắc với chiến thắng của phe Liên Quân Miền Bắc chống chế độ nô lệ đã làm tâm thức chủ nô ở Hoa Kỳ thay đổi. Năm 1864, Bộ trưởng tư pháp Hoa Kỳ, Edward Bates, nối kết vấn đề quốc tịch theo nơi sinh với những chiến binh gốc nô lệ Phi Châu trong quân đội Liên Quân Miền Bắc đã khẳng định tất cả những người tự chủ da màu sinh ra tại lãnh thổ Hoa Kỳ đều là công dân. Thời hậu chiến, Quốc Hội đã thông qua luật dân quyền ban quyền công dân cho tất cả những ai sinh ra tại Hoa Kỳ và những người đó không bị lệ thuộc trong vòng tài phán của bất kỳ quốc gia ngoại quốc nào.

Và theo trình tự phát triển xã hội sau cuộc Nội Chiến, đến lúc Hiến Pháp Hoa Kỳ, văn bản luật cao nhất của quốc gia, được cập nhật tình trạng quyền quốc tịch với Tu Chánh Án 14. (Còn Tiếp)

Mai Phi Long

Thương mại

MYVIET INC
  • 25 Tháng Một, 2019
  • Đăng bởi editor
MY VIET MAGAZINE
  • 25 Tháng Một, 2019
  • Đăng bởi editor
QUY TRÌNH NHẬP TỊCH DƯỚI THỜI TỔNG THỐNG TRUMP

Hoa Kỳ luôn là một pháo đài cho tự do. Ngoài lý tưởng của mình,...

  • 31 Tháng Một, 2020
  • Đăng bởi editor
Xem thêm