THƯ GỬI MẠ NĂM THỨ BỐN MƯƠI BỐN

  • 16 Tháng Tư, 2019
  • Đăng bởi editor
Những ngày cuối tháng Tư, tin tức dồn dập không khả quan chút nào, như Việt Cộng đã chiếm lần các tỉnh miền trung, Đà Nẵng, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Rang… và đang tiến gần đến Thủ Đô. Thiên hạ rùng rùng bỏ chạy. Con lo sợ và hoang mang lắm, nhưng con cũng không biết mình phải làm gì.

Mạ ơi! 30 tháng Tư năm ni đánh dấu bốn mươi bốn năm, kể từ ngày đau thương nhất của dân tộc Việt Nam! Ngày con ra đi Mạ chưa tới bảy mươi, vẫn còn mạnh khỏe, bương chải nuôi dâu mới sanh xong, lại vào Sài Gòn chờ con gái khai hoa, nở nhụy. Con biết lòng Mạ trong những ngày tháng Hai se se lạnh đó, rất nôn nao. Mạ về nhưng không yên tâm, nên mạ dặn dò rất kỹ con bé Chẻo, người làm những điều cần thiết cho người mới sanh. Mạ bảo, dù sanh con rạ, cũng phải kiêng cử vài tháng, đi đứng phải nhẹ nhàng, không ăn những thứ quả chua, những thức ăn lạnh lẽo… và nhất là phải uống thuốc bổ máu huyết…

Con cố gắng làm theo lời Mạ dặn, cho tới lúc cứng cáp, là lúc cả nước biến loạn. Cộng Sản xua quân cưỡng chiếm nhiều thành phố miền Nam, và càng ngày càng gần Sài Gòn.Dạo này có lẽ vì thần kinh căng thẳng, con bị mất ngủ liên miên. Con ra chợ Khánh Hội, tính nhờ ông y tá nổi tiếng mát tay, chuyền cho một chai nước biển, nhưng hình như ông đi đâu mất tiêu rồi. Nhìn chung quanh, khu chợ Khánh Hội cũng văng vắng một cách bất thường!

Sau lưng nhà là khu gia binh, thường cũng khá ồn ào với tiếng khua nồi niêu soong chảo, hay tiếng ru con, tiếng la mắng con cái, hay tiếng con nít la hét cười đùa khi chúng tan học về. Có lần mới ru cháu thiu thỉu ngủ, thì những tiếng cười đùa làm con bé thức giấc, Mạ bảo “Răng mấy tụi nớ ồn rứa hè?!”. Thế nhưng bây giờ cũng rất vắng vẻ. Bên kia là trung tâm tạm trú hải quân cũng có vẻ hoang vắng làm sao!

Những ngày cuối tháng Tư, tin tức dồn dập không khả quan chút nào, như Việt Cộng đã chiếm lần lần các tỉnh miền trung, Đà Nẵng, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Rang… và đang tiến gần đến Thủ Đô. Thiên hạ rùng rùng bỏ chạy. Con lo sợ và hoang mang lắm, nhưng con cũng không biết mình phải làm gì. Mấy ông lính bị cấm trại một trăm phần trăm. Trong khu quân sự của trung tâm điện ảnh cũng vắng vẻ một cách kỳ dị. Đàn bà chỉ nghe lóm từ câu chuyện của mấy ông rồi bàn tán xì xào với nhau. Ngày 29 tháng 4, con nhớ như in, nét mặt của nhà con và các ông khác, có vẻ nghiêm trọng khi báo tin cho các bà là chuẩn bị di tản. Con hỏi “Đi đâu?”, nhà con bảo “Đi ra tàu, rồi tính”. Nói xong, nhà con quay lại văn phòng.

vietnamese-boat-30-4

Con đưa mắt nhìn chung quanh khu cư xá thân quen, lòng bâng khuâng tự hỏi “Đi đâu? Có về lại hay không?”… và nhiều câu hỏi khác hiện ra trong đầu mà không biết ai có thể trả lời cho mình. Con nhớ Mạ, nhớ nhà quay quắt và thèm một chỗ nằm yên ổn trong căn phòng Mạ dành riêng cho con mỗi lần con về thăm và ở lại thật lâu. Con ước ao phải chi con đang ở với Mạ, giao phó tất cả vào tay Mạ; rồi lại thầm mong những việc đang đảo lộn chung quanh chỉ là một giấc mộng dữ, khi thức giấc mọi chuyện trở lại bình thường.

Thế nhưng khi nhìn thấy cô em chồng mới từ Nha Trang vào đây học nghề tóc ở Khánh Hội, nghe lời anh dặn chuẩn bị, cô đang bỏ áo quần vào trong xách tay cho ba đứa cháu, con nhận thức ra rằng đây là cuộc đời thật, không phải ác mộng. Con bé người làm cũng đã xin về nhà ở miền Trung, nó nói mẹ nó đau. Con vội vã mở tủ, cẩn thận kéo một chiếc hộp giấy nhỏ, chiếc hộp này con cất giấu rất kỹ dưới những lớp áo len, mở ra nhìn những lượng vàng óng ánh. Đây là cả một gia tài con mới vớt vát được, sau một buổi chen lấn, ồn ào hỗn loạn với số người tới chờ rút tiền ở ngân hàng. Có nhiều người phải trèo qua cửa sổ mới có thể vào được bên trong, nhưng không một ai được rút toàn bộ số tiền trong chương mục của họ cả. Với số tiền đó, con đã vội chạy đi mua vài lượng vàng làm của tùy thân. Con lấy cái thắt lưng kiểu ruột tượng đã được may mấy ngày trước, cẩn thận bỏ những thỏi vàng vào cùng với một số tiền mặt rồi thắt chặt vào bụng và cảm thấy đôi chút an tâm.

Việc tiếp theo là thúc giục mấy đứa con mang vào vai cái ba lô nhỏ đựng quần áo, giày dép, đồng thời đứa nào cũng mang thêm một vài món cho thằng Út- hiện bây giờ đã hai tháng rưỡi- vì nó cần nhiều thứ lắm, nào là tã lót, khăn lông, sửa bột, bình chứa nước nóng để pha sửa, áo quần, vớ, mũ…. Ba đứa kia có lẽ hiểu sự quan trọng của sự việc nên chỉ làm theo người lớn dặn chứ không thắc mắc gì cả. Tụi con cả thảy là bảy người hối hả chất lên trên một chiếc xe Honda chạy cho kịp.

Đi ngang Khánh Hội, thấy người ta nhốn nháo chạy lên chạy xuống. Chiếc xe Honda lách đầu này, lạng đầu kia, cuối cùng tụi con cũng vào được bên trong bến tàu. Người thật đông. Trên bãi cát, xe cộ bỏ bừa bãi, phần đông là xe gắn máy, xe hơi và cả xe đạp. Dưới sông có nhiều chiếc tàu lớn. Tụi con đươc bảo chạy về hướng con tàu mang tên Anh Tuấn. Không biết bằng cách nào, gia đình tụi con, và gia đình vài người bạn đã leo lên được con tàu chật ních người.
Bảy ngày lênh đênh trên biển cả với những cơn mưa như trút nước, với bóng tối bao trùm dưới hầm tàu, với tiếng khóc không ra tiếng của cháu Út, với những bữa cơm đạm bạc tối đa của người chủ tàu tốt bụng và cuối cùng với sự tiếp tế của tàu Mỹ, mọi người bình an đến Subic, Philippines. Sau những thủ tục giấy tờ, từ Subic đến đảo Guam và từ Guam đến định cư tại Hoa Kỳ.

vietnamese-boat-30-4-1

Con tự làm những việc mà Mạ đã làm cho con, nuôi con và có cháu nội ngoại để thương yêu! Những khi con cái làm con buồn lòng, con mới hiểu con đã làm biết bao nhiêu điều muộn phiền cho Mạ. Con cũng nhận ra rằng “nước mắt chỉ chảy xuôi, không bao giờ chảy ngược!”. Con có nhớ mạ đến đau thắt ruột gan. Bây giờ có muốn đền bù công ơn sinh thành dưỡng dục đôi chút cũng không bao giờ còn cơ hội nữa! Làm sao quay ngược được kim đồng hồ.
Mạ ơi! Bốn mươi bốn năm xa quê hương tổ quốc. Từ đó đến nay, con không có Mạ một lần nào nữa! Có những đêm con nằm mơ thấy Mạ. Thấy lại ngôi nhà thời thơ ấu. Con nghe được tiếng hàng xóm chuyện vãn lao xao của mỗi buổi sáng mai khi mặt trời vừa thức giấc. Con nghe được âm thanh của những chiếc gàu múc nước từ chiếc giếng nằm ở cuối xóm. Con nghe được tiếng chuông nhà thờ nằm gần khu xe lửa. Con thấy được ánh sáng bập bùng của nồi bánh tét tối 30 Tết sau hè. Con nếm được vị ngọt ngào của chiếc bánh chưng nhỏ xíu mà anh Quang dùng nếp vụn còn lại để gói riêng cho đứa em gái. Và thật sâu trong ký ức, con còn hình dung cả thời tiểu học ở trường Quân Dân Chính với tiếng trống vào lớp và tiếng trống tan trường dòn dã. Con thấy cả bóng cây bàng thật to ở cuối sân trường mà mỗi lần trời chạng vạng, con đi ngang đều cắm đầu chạy vì sợ ma.

Thỉnh thoảng, con ngồi lật lại những cuốn album có những tấm hình trắng đen đã bạc màu, mà ba đã khổ công lục lọi lại trong nhà gởi cho con vài năm sau 1975. Tâm hồn lắng đọng với những kỷ niệm dấu yêu. Này là hình ảnh của một thời áo trắng, thời của những bước chân chim. Thời của những e thẹn, ngập ngừng, bối rối trong từng trang lưu bút…qua tới những hình con theo chồng về nơi Pleiku đèo heo hút gió. Rồi nào là hình ảnh năm năm trời ở Sài Gòn. Từng góc phố, cột đèn, chợ hoa, thương xá. Những buổi ra phố chỉ để nhìn người dân Sài gòn lượn lên, lượn xuống khoe chiếc áo dài tha thướt hay những chiếc mini jupe để khoe cặp chân dài. Ăn quà vặt ở chợ Bến Thành. Nhớ làm sao những cơn mưa bất chợt rơi lộp độp trên mái tôn của ngôi chợ thân quen.

tan-man-30-4-3

Mạ ơi! Con của mạ, cũng như bao nhiêu người Việt lưu vong khác, tới cái tuổi này đáng lẽ chỉ còn biết hưởng thụ, con cái đã nên danh phận, thế nhưng hạnh phúc của mỗi nhà hình như không được trọn vẹn. Trong lòng mỗi người con xa xứ đều có một sự gì lấn cấn. Sự lấn cấn đó là giấc mơ chưa thành tựu, giấc mơ hồi hương. Giấc mơ này kéo dài đã hơn 40 năm vẫn chưa đạt được! Đã có nhiều người phải bỏ cuộc vì “chí thì mong tiến bước, nhưng sức không kham nỗi đoạn đường” đành bỏ thây nơi xứ người mà hồn vẫn mơ về cố quốc.

Bốn mươi bốn năm đã trôi qua! Thời gian quá dài, đủ làm biển cả hóa nương dâu, nhưng những giấc mơ trong tuổi thơ vẫn bám chặt ký ức con không rời. Mạ ơi! Kể làm sao hết những kỷ niệm quý giá của thời thơ ấu có Mạ, có ba, có anh bên cạnh. Những con diều, những chiếc lồng đèn trung thu, những con chim sáo, những con dế mèn, những hòn bi đủ màu sắc…và tiếng ru hời của Mạ dỗ cháu ngủ!

Mạ ơi! Con nhớ mạ!

Thu Nga

Thương mại

MYVIET INC
  • 25 Tháng Một, 2019
  • Đăng bởi editor
MY VIET MAGAZINE
  • 25 Tháng Một, 2019
  • Đăng bởi editor
angel&nhanloai
NHÂN LOẠI VÀ ANGEL

Con người ta hễ còn sống trên đời và khi hơi thở chưa dứt thì...

  • 13 Tháng Mười Hai, 2018
  • Đăng bởi editor
Xem thêm
NHỮNG CÂU HỎI TRƯỚC KHI KÝ HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ (Kì I)

Một khi quý vị đã sẵn sàng ký hợp đồng thuê căn hộ, rất có...

  • 30 Tháng Mười Một, 2019
  • Đăng bởi editor
Xem thêm
dan-chu-1
CÁI GIÁ CỦA NỀN DÂN CHỦ

Donald J. Trump, vị tổng thống thứ 45 của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, một...

  • 16 Tháng Mười Một, 2018
  • Đăng bởi editor
Xem thêm
HAY-YEU-NHU-YEU-LAN-DAU-1
HÃY YÊU NHƯ YÊU LẦN ĐẦU

Thi sĩ Xuân Diệu đã từng phát hiện ra những lý do thường khiến tình...

  • 10 Tháng Một, 2019
  • Đăng bởi editor
Xem thêm