VIỆT NAM HÓA CHIẾN TRANH – LÀM SUY YẾU QUÂN ĐỘI DẪN ĐẾN VIỆC BƯC TỬ VNCH

  • 16 Tháng Tư, 2019
  • Đăng bởi editor

Năm 1969 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cuộc chiến Việt Nam mở đầu với việc Richard Nixon đắc cử và khởi đầu nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ. Trong suốt quá trình chạy đua vào Tòa Bạch Ốc 1968, câu hỏi làm sao chấm dứt chiến tranh Việt Nam là ưu tư hàng đầu của dân Mỹ và đề tài tranh cử cấp bách của các ứng viên tổng thống. Nixon, một chính khách lão luyện từng là phó tổng thống, hứa sẽ đưa ra chiến lược đem hòa bình đến cho cuộc chiến ngày càng tàn khốc tại Việt Nam và danh dự cho Hoa Kỳ. Lời hứa và kế hoạch sơ khởi Nixon đưa ra trong các cuộc tranh luận với các ứng viên và báo giới đã giúp ông vào Tòa Bạch Ốc sau nhiều lần tranh cử gian khổ. Cuộc chiến kéo dài hơn dự tính với con số thương vong và tốn phí làm dân Mỹ sẵn sàng chọn hướng giải quyết mới của Nixon. Chiến lược chấm dứt chiến tranh của Nixon có thể tóm tắt trong hai từ ngữ: Đàm phán (negotiation) và Việt Nam Hóa chiến tranh (Vietnamization) tức chuyển giao dần mọi trách nhiệm về cuộc chiến cho chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng Hoà (VNCH). Trong khuôn khổ bài báo ngắn này, người viết chỉ xin trưng lý do ra đời của chính sách Việt Nam Hóa với vài nhận định thô về chiến lược này của Nixon mà ông không thi hành theo lộ trình đã hứa dẫn đến việc suy yếu quân lực Việt Nam Cộng Hoà và bức tử Miền Nam.

viet-nam-hoa-chien-tranh-1

Trong diễn văn nhậm chức ngày 20 tháng 01 năm 1969, Nixon hé lộ một phần chính sách ngoại giao của chính quyền mới: “Sau thời gian đối đầu, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên đàm phán. Hãy để mọi quốc gia biết tại chính quyền này, các đường dây liên lạc sẽ được mở ra”. Trong phần kết bài diễn văn nói trên Nixon đã không giấu việc Hoa Kỳ có thể từ bỏ ý định dùng vũ lực để giải quyết cuộc chiến Việt Nam: “Hòa bình mà chúng ta sẽ nỗ lực tìm kiếm không phải là chiến thắng bất kỳ dân tộc nào khác, mà là nền hòa bình mang đến… sự thông cảm dành cho những người đã từng chống lại chúng ta”. Là người hướng ngoại, sau khi nhậm chức Nixon lao ngay vào chính sách ngoại giao mềm mỏng với Nga và Trung Cộng để giảm nhiệt Chiến Tranh Lạnh đồng thời hy vọng dùng hai thế lực Cộng Sản đàn anh này buộc Hà Nội đi đến cam kết chấm dứt xung đột tại Việt Nam. Henry Kissinger, lúc đó chỉ là cố vấn an ninh phủ tổng thống, đã trở thành con thoi liên lạc giữa Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh và Hà Nội, công việc đáng lý thuộc về Ngoại Trưởng William Rogers.
Mặc dù nhiều nỗ lực bỏ ra trong năm 1969, kết quả đàm phán của Kissinger chẳng đi đến đâu buộc Nixon tăng áp lực bằng cách bí mật bỏ bom hệ thống tiếp vận của Hà Nội dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Trong diễn văn trước quốc hội và dân chúng Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 11, Nixon đã nhìn nhận khó khăn trong ngoại giao và lần đầu tiên cho biết sẽ rút quân đội Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam theo một thời khóa biểu nhất định đồng thời hứa tăng viện và huấn luyện cho quân đội VNCH thay thế Mỹ. Từ ngữ Việt Nam Hóa được dùng để thay thế chữ giảm binh hay rút quân. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Melvin Laird, có nhiệm vụ đưa ra kế hoạch cụ thể cho chính sách Việt Nam Hóa này. Trong bài diễn văn trên, Nixon cũng đổ lỗi khéo chính sách tham chiến ồ ạt của các chính quyền tiền nhiệm: “Trong những chính quyền trước đây, chúng ta đã Mỹ Hóa cuộc chiến ở Việt Nam. Trong chính quyền này, chúng ta sẽ Việt Nam Hóa công cuộc tìm kiếm hòa bình”. Nixon không giấu chủ trương đẩy trách nhiệm cuộc chiến sang tay chính phủ VNCH. Tại Mỹ, phong trào phản chiến lớn mạnh càng làm cho dân Mỹ và chính quyền Nixon phải đẩy mạnh kế hoạch rút quân. Nixon ban đầu dự định rút toàn bộ quân đội Hoa Kỳ trong vòng 18 tháng hy vọng hoàn tất vào cuối năm 1971, nhưng Kissinger sợ tình hình chiến sự có những đột biến làm ảnh hưởng đến việc tái tranh cử của Nixon nên đề nghị gia hạn thêm một năm. Nixon đồng ý ngay vì biết nếu tình hình Việt Nam biến chuyển xấu trong cuối năm 1972 hay đầu năm 1973, thì ông không phải trả lời dư luận Mỹ và hy vọng đã yên vị trong tòa bạch ốc nhiệm kỳ hai. Tương lai Miền Nam được xem nhẹ trong bài toán của Nixon-Kissinger.

viet-nam-hoa-chien-tranh-3

Việt Nam Hóa trên thực tế đã không được thi hành như cam kết với VNCH và trước viện trợ ồ ạt từ phía Nga và Trung Cộng, sự chênh lệch quá lớn về tài trợ, quân số, quân cụ, vũ trang… giữa Hà Nội và Sài Gòn, khiến cán cân dần nghiêng về Miền Bắc. Biết trước ý định của Mỹ, Hà Nội càng cương quyết không giải quyết chiến tranh qua đàm phán và không ngừng tăng cường cuộc xâm lăng bằng vũ lực. Cuộc chiến đi dần từ du kích với các đơn vị địa phương của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam qua quy ước có mặt quân đội chính quy cấp độ sư đoàn với xe tăng tân tiến và đại pháo. Nhiều tài liệu từ Nga và Trung Cộng được giải mã sau này cho thấy binh sĩ Nga có mặt tại Miền Bắc hỗ trợ về không chiến và phòng không và nhiều chứng cớ cho thấy cố vấn Trung Cộng có mặt trên chiến trường Miền Nam. Bộ Trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Melvin Laird, điều khiển việc giảm quân đội tham chiến từ 549,500 xuống còn 484,000 trong năm 1969. Đến cuối năm 1972, chỉ còn 69,000 binh sĩ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Về ngân sách, trong năm 1973 chính quyền HK giảm viện trợ từ 1.6 tỉ đô-la xuống còn 1.26 tỉ đô-la. Năm 1974, viện trợ rơi từ 1.26 tỉ đô-la xuống còn 700 triệu đô-la. Bộ trưởng Laird tuyên bố trong năm 1973 “Việt Nam Hóa chiến tranh Việt Nam đã hoàn tất”, ý nói việc rút quân đã xong chỉ để lại ít cố vấn Mỹ với trách nhiệm giới hạn và viện trợ nhỏ giọt. Chứng tỏ Việt Nam Hóa chiến tranh chỉ chú trọng đến việc rút quân và chuyển giao trách nhiệm của Mỹ tại chiến trường.

viet-nam-hoa-chien-tranh-2

Quân đội Miền Nam mặc dù cố gắng hết sức để tăng quân số và huấn luyện cũng không đủ cung ứng cho những cứ điểm phòng ngự và thay thế trách nhiệm của quân đội Hoa Kỳ. Tuy vậy, quân đội VNCH vẫn chặn đứng được cuộc tấn công vũ bão 1972 mà báo chí Mỹ gọi là Easter Offensive. Hiệp Định Ba Lê cuối cùng được ký kết ngày 27 tháng 1, 1973, chấm dứt mọi can thiệp quân sự của Hoa Kỳ vào Miền Nam và buộc Hà Nội chấp thuận đình chiến, trả các tù binh chiến tranh, và không gửi quân xâm nhập miền Nam. Nixon đe dọa xuông sẽ trả đũa bằng không lực nếu Miền Bắc vi phạm hiệp đinh. Cuối năm 1973, Miền Bắc xé bỏ hiệp định gửi 18 sư đoàn vào miền Nam với hơn 220,000 quân còn trong miền Nam sau ngày đình chiến. Miền Nam từ đây gần như một mình anh dũng tự vệ cho đến tháng 4, 1975. Lời hứa hòa bình của Nixon cuối năm 1969 chỉ đúng một nửa, nửa dành cho dân tộc.

Ts. Phan Quang Trọng

Thương mại

MYVIET INC
  • 25 Tháng Một, 2019
  • Đăng bởi editor
MY VIET MAGAZINE
  • 25 Tháng Một, 2019
  • Đăng bởi editor
TOP MẪU ĐỒNG HỒ ĐẮT GIÁ NHẤT

Đồng hồ đối với đàn ông như biểu tượng của sự thành đạt còn phụ...

  • 14 Tháng Năm, 2019
  • Đăng bởi editor
Xem thêm
NHỮNG NÉT THÚ VỊ Ở NƯỚC MỸ

Nước Mỹ hay Hợp chủng quốc Hoa Kỳ với cái tên có thể đem lại...

  • 5 Tháng Sáu, 2019
  • Đăng bởi editor
Xem thêm
GIỮA MÙA GIÁNG SINH KỶ NIỆM

Ngày qua tháng lại, mới đó mà lại sắp sửa đến mùa lễ hội giáng...

  • 28 Tháng Mười Hai, 2019
  • Đăng bởi editor
Xem thêm
HẠNH PHÚC LIỆU CÓ MONG MANH ĐẾN THẾ?

Nhiều người vẫn luôn tự huyễn hoặc bản thân về những thứ hạnh phúc xa...

  • 13 Tháng Mười, 2019
  • Đăng bởi editor
Xem thêm