NHỮNG CUNG ĐÀN NHẠC THU

  • 11 Tháng Mười, 2019
  • Đăng bởi editor
Từ khi có sự hiện hữu trái đất này trong vũ trụ mênh mông, mùa thu ra đi và trở lại biết bao nhiêu lần theo chu kỳ tuần hoàn của tạo hóa. Khi đất trời giao hòa trong những bản hòa tấu của thiên nhiên cũng là lúc lòng người dậy lên nhiều xúc cảm. Và hơn hết, người ta lại đi tìm sự đồng điệu trong âm nhạc…

Nhạc Việt, từ xưa đến nay có rất nhiều tuyệt phẩm về mùa thu. Những ký âm dịu êm đã được gieo lên trên khuông nhạc đã trở thành bài hát yêu thích của nhiều thế hệ. Để mỗi độ thu về, từ người trẻ đến người già đều ngân nga cất lời như thể đó chính là âm thanh cần có giữa buổi đất trời vào thu.
Trong đầu thập niên 70, người ta không thể quên một bản nhạc tình thu bất hủ của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ từ thơ của một thi hào người Pháp. “Mùa Thu Chết” là những thương nhớ khôn nguôi của một mùa thu tàn úa, của người tình vẫn mặn nồng chờ đợi sự trở lại của thu yêu đương có nhau.

Chiều xưa có ngọn trúc đào. Mùa Thu lá rụng bay vào sân em.
Câu hát dịu dàng mong manh như những cánh hoa trúc đào, một làn gió khẽ đong đưa cành lá. Hoa trúc đào không nổi bật giữa vườn hoa sắc thắm, nhưng làm lòng người chợt thấy bình yên.
Mùa thu với bao vẻ đẹp nên thơ của đất trời đã gieo cảm xúc khiến nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết nên những giai điệu làm say đắm lòng người. “Lá đổ muôn chiều”, “Chuyển bến” hay “Tà áo xanh” đều được coi là những kiệt tác của âm nhạc Việt Nam. Trong những tác phẩm viết về mùa thu của ông, không thể không nhắc tới “Gửi gió cho mây ngàn bay”. Một bức tranh sinh động về thu Hà Nội đã được cố nhạc sĩ gửi gắm trong từng nốt nhạc và ca từ lãng mạn .

Được nhắc đến nhiều nhất, được hát nhiều nhất mỗi độ thu về là những câu hát đầu tiên trong ca khúc “Có phải em là mùa thu Hà Nội” của tác giả Trần Quang Lộc và Tô Như Châu – “Tháng Tám mùa thu lá khởi vàng chưa nhỉ, từ độ người đi thương nhớ âm thầm”. Dẫu hát về mùa thu Hà Nội nhưng ca khúc này lại khắc họa được những nét đặc trưng của mùa thu và có những ý tứ chạm vào tâm tư của giới mộ điệu. Sự kết hợp tài tình âm giai trưởng và âm giai thứ trong những đoạn chuyển đã giúp ca khúc trở nên sâu lắng và thiết tha hơn. Mùa thu là mùa của những giai điệu lắng sâu. Nó khiến những hời hợt trở nên sâu sắc, những khô khan trở nên mơ màng… Chúng ta đã từng được thưởng thức một “Không còn mùa thu” của nhạc sỹ trẻ Việt Anh trong thập niên 90 với hình ảnh không thể đẹp hơn: Anh là mùa thu cho em mơ màng, anh là lời ru quấn quýt bên nàng…

Chúng ta cũng từng say đắm trong “Mùa thu vàng” của Ngọc Châu với hình ảnh hết sức thơ mộng: Em đến vương chiều vàng/ Để lòng tôi chợt chơi vơi/ Lá thu rơi khẽ như hát thành lời/ Mùa thu khúc hát dịu êm. Và gần đây là “Chỉ còn những mùa nhớ” của Minh Min với những khắc khoải, nuối tiếc, chơi vơi: Mùa thu sang hàng cây xao xác/ Lá rơi đầy đã qua ngày xanh/ Ngược thời gian ngược về quá khứ/ Có trái tim đã hóa vụn vỡ…

Mùa thu là mùa của nỗi buồn, của chia tay, của những mối tình dang dở. Giai điệu mang nhiều tâm trạng của “Mùa thu lá bay” để lại cho người nghe nỗi khắc khoải và chạnh lòng khi nghĩ tới những kỷ niệm xưa cũ. Người con gái trong ca khúc tự gặm nhấm nỗi xót xa và mong một ngày đoàn tụ với người mình yêu ở kiếp sau, khi tình là “thiên thu”.

Anh có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ/ Anh có nghe nai vàng hát khúc yêu đương/ Và anh có nghe khi mùa thu tới/ Mang ái ân, mang tình yêu tới…” (Mùa Thu Cho Em- Ngô Thụy Miên)

Khi mùa hè với cái nắng gay gắt qua đi, mùa thu đến đem theo những cơn gió heo may dịu dàng, những con đường tràn ngập lá vàng rơi và cả khúc yêu thương của những trái tim “vương màu xanh mới”. Đó chính là lời nhắn nhủ mà nhạc sĩ Ngô Thụy Miên gửi gắm trong ca khúc này. Lời ca bay bổng, giai điệu ngọt ngào mỗi khi vang lên như khẽ nhắc nhở rằng mùa thu đã sang rồi.

Mùa thu trong nhạc phẩm của Đức Huy đầy rực rỡ, mộng mơ với những lời ru tình yêu, “bờ môi nhớ thương” và đặc biệt là “bài ca dao ta vẫn hát lúc còn ấu thơ”. Bài hát như lời ru của mùa thu – e ấp, hiền hòa, vun đắp cho những tình yêu chớm nở, khiến lòng người đắm say trong giấc mơ “dài cơn mê thương yêu ấy, những ngày ái ân”.

“Nhìn những mùa thu đi” và “Nắng thủy tinh” đều là hai nhạc phẩm bất tử về mùa thu mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại cho đời. Đều lấy hình ảnh là một buổi chiều thu, nhưng nếu như “Nắng thủy tinh” là một “chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm” thì buổi chiều trong “Nhìn những mùa thu đi” lại “đơn côi bàn tay quên lối, đưa em về nắng vương nhè nhẹ”.

Trong cuộc đời của mỗi con người, ai rồi cũng sẽ phải đón nhận những mùa thu đi qua và “nghe tên mình vào quên lãng”. Mùa thu đến và đi để lại bao cảm xúc bâng khuâng, ngậm ngùi.
Nhìn những mùa thu đi/ Em nghe sầu lên trong nắng/ Và lá rụng ngoài song

Nguyên Hà

Thương mại

MYVIET INC
  • 25 Tháng Một, 2019
  • Đăng bởi editor
MY VIET MAGAZINE
  • 25 Tháng Một, 2019
  • Đăng bởi editor
Launch Event MY VIET MAGAZINE

Trong bốn mươi ba năm qua, cộng đồng Việt Nam hải ngoại đã lớn mạnh...

  • 4 Tháng Mười Một, 2018
  • Đăng bởi editor
Xem thêm
JOKER HOÀNG TỬ TỘI PHẠM MÊ HOẶC HOLLYWOOD

Gã là tên tội phạm kỳ quặc với gương mặt được hóa trang như chú...

  • 13 Tháng Mười, 2019
  • Đăng bởi editor
Xem thêm
HOUSTON McDONALD’S GRAND OPENING

“We welcome Mr. Moss and the McDonald’s family to the Vietnamese community,” said Thanh Thuy...

  • 28 Tháng Mười Một, 2018
  • Đăng bởi editor
Xem thêm
CATE BLANCHETT – NỮ HOÀNG KHÔNG NGAI CỦA HOLLYWOOD

Khi “thiên nga nước Úc” Nicole Kidman trả lời về câu hỏi rằng cô có...

  • 8 Tháng Tám, 2019
  • Đăng bởi editor
Xem thêm