RỒI ĐÂY ANH SẼ ĐƯA EM VỀ NHÀ

  • 22 Tháng Ba, 2019
  • Đăng bởi editor
Trong âm nhạc, xưa nay những ca khúc viết về tình yêu bao giờ cũng chiếm phần nhiều. Trong cái phần nhiều ấy, đa số nói đến sự chia ly nhớ nhung của những mối tình đẹp và… dang dở.

Những bài hát về những mối tình đã “vẹn câu thề”, như lời của thi sĩ Hồ Dzếnh, không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do người đời thích nghe những bài thơ hoặc ca khúc về sự đổ vỡ, không trọn vẹn như chính tình yêu của họ. Đặc biệt, những bài hát về tình yêu đã qua thử thách của hôn nhân, ở với nhau gần hết cuộc đời, lại càng hiếm. Có một bài hát rất hiếm như thế, thường được người Việt thích nghe, nhất là đối với những ai đang ly hương, trong mỗi dịp Xuân về Tết đến.

Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà
Nhà của đôi ta, xinh xinh nhỏ bé
Có vườn rau xanh ngát ngoại ô
Có mùa mưa hay nắng mộng mơ
Cây me già trong ngõ
Hoa lá đổ về khuya
Mùi hương lối xóm bay đi tràn trề.

Đây là một trong những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy phản ảnh tâm trạng, hay đúng hơn là ao ước của những người Việt tị nạn mỗi khi nhớ về cố hương. Hai chữ “rồi đây” xuất hiện 3 lần với lời hứa “anh sẽ” hay “ta sẽ” mà không nói rõ chính xác là bao giờ. Những từ ngữ mang tính bất định ấy như muốn nói lên nỗi thầm mong đầy ưu tư của một người xa quê cha đất tổ.

Biển Đông vỗ sóng ru ta bồi hồi

Phải đi rất xa quê hương, xa lắm mới nói đến biển Đông; chứ không thì chỉ nhắc tên một con sông nào đấy cũng đủ. Đoạn đầu bài hát vẽ lên hình ảnh một ngôi nhà ở ngoại ô xinh xắn với vườn rau xanh ngát, với cây me già, và đầy hoa lá trông rất mộng mơ dù trời mưa hay nắng. Ngôi nhà ấy trong một khu xóm mà mọi người rất thân ái với nhau. Nếu không phải như thế thì không thể nào cảm nhận được cái “mùi hương lối xóm bay đi tràn trề”. Người Việt thường nói yêu ai yêu cả đường đi; nếu ghét thằng hàng xóm thì không chỉ tông chi họ hàng nhà nó mà ngay cả mùi đồ ăn trong bếp bay qua cũng thấy ghét! Sống trong một ngôi nhà, một khu xóm thân yêu như vậy mà phải bỏ đi thì tiếc và thương nhớ lắm chứ? Đấy cũng chính là cái tài (viết lời) của nhạc sĩ Phạm Duy khi ông muốn đưa lịch sử dân tộc vào tình ca một cách nhẹ nhàng và hàm súc. Những hình ảnh thanh bình thơ mộng của quê hương… ngày xưa vẫn được người chồng nhớ rõ:

Về nơi công viên yên vui lặng lẽ
Hãy ngồi đây, ghế đá ngày xưa
Dưới hàng thông có gió lửng lơ
Con chim nào thường hay hót
Con bướm nào thường hay bay

Bài hát được bắt đầu với giai điệu chậm rãi theo giọng thứ tạo nên một cảm giác “buồn ít hơn vui”. Rồi tiếng hát vui hẳn lên khi giai điệu chuyển qua giọng trưởng, đầy phấn khích như thể người chồng đang sống lại những giây phút xa xưa:

Về đây với những bước chân trìu mến
Những bước chân êm trên phố phường quen
Nếu mưa rơi sẽ mát lòng em
Về đây ta sẽ tới ngôi chùa cũ
Gióng tiếng chuông xưa, nghe tiếng tình tơ

Bỗng tiếng hát khựng lại, ngập ngừng như che giấu điều gì khi đột ngột trở lại giọng thứ:

Bến đò xa, cô lái vẫn chờ…

Một lần nữa nhạc sĩ Phạm Duy lại thể hiện cái tài viết lời của mình, nhưng không phải qua ngôn từ, mà bằng cách biến đổi điệu tính của bài hát. Nếu câu “bến đò xa, cô lái vẫn chờ” vẫn giữ giọng trưởng như những câu trước đấy thì không chứng tỏ được sự thay đổi trong tâm lý nhân vật. Cứ tưởng tượng người chồng đang hân hoan đưa vợ về thăm lại quê cũ, đến ngôi chùa để nghe tiếng chuông xưa, gợi lại sự lãng mạn ngày trước giữa hai người mỗi lần rủ nhau lên đây. Tự nhiên người chồng cũng nhớ đến một sự lãng mạn khác, với một người con gái từng chèo đò đưa mình qua sông ngày xưa đi học. Dĩ nhiên sự lãng mạn này người chồng không dại gì mà kể cho vợ nghe, thậm chí còn không dám lộ ra ngoài nét mặt! Hình ảnh cô lái đò chỉ thoáng qua nhưng đủ làm người chồng đang vui bỗng chùng xuống trong lòng. Để diễn tả điều tế nhị ấy, Phạm Duy lập tức đổi điệu tính từ trưởng sang thứ. Đáng tiếc nhiều ca sĩ khi hát đến câu này lại không để ý; cứ hát đều đều một cách bình thường… như không hề có chuyện gì đang xảy ra trong lòng người chồng. Thậm chí, một số ca sĩ còn đổi chữ “xa” thành “xưa”. Về mặt ngữ âm, ở câu trên đã dùng “tiếng chuông xưa” mà ngay câu dưới lặp lại “bến đò xưa” thì không hay. Mặt khác, chính vì ngay câu trên đang nói về tiếng chuông “xưa” thì câu dưới không cần phải nói rõ là bến đò “xưa”. “Xa” đây vừa là “xa xưa” mà cũng là “xa xăm” trong tâm khảm.

Đoạn cuối bài hát, nhạc sĩ Phạm Duy thay đổi chủ từ “anh” thành “ta” như có ngụ ý sẽ cùng nhau trở về… hẳn, chứ không về thăm, khi quê hương Việt Nam thật sự yên bình.

Rồi đây ta sẽ đưa nhau về nhà
Về miền quê ta thơm tho mùi lúa
Có cầu ao yên giấc ngủ trưa
Có đồi non êm ái cỏ hoa
Con sông nào đưa lối
Tiếng hát nào chơi vơi
Biển Đông vỗ sóng ru ta bồi hồi
Biển Đông vỗ sóng ru ta đời đời

Buồn và đau đớn thay, cho đến bây giờ, biển Đông vẫn chưa thể ru ta….

Hồng Nguyên.

PHOTO: cdn.playbuzz

Thương mại

MYVIET INC
  • 25 Tháng Một, 2019
  • Đăng bởi editor
MY VIET MAGAZINE
  • 25 Tháng Một, 2019
  • Đăng bởi editor
NGÀY CÁ THÁNG TƯ LÀ NGÀY NÀO?

Ngày Cá Tháng Tư (April’s Fool) – vào ngày 01 tháng 4, được xem là...

  • 4 Tháng Tư, 2020
  • Đăng bởi editor
Xem thêm
NHỮNG KIẾN THỨC THÚ VỊ VỀ KHOA HỌC

Bạn có thể trả lời đúng hết những câu hỏi thường được sử dụng bởi...

  • 31 Tháng Một, 2020
  • Đăng bởi editor
Xem thêm
NHỮNG CÂU HỎI TRƯỚC KHI KÝ HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ (Kì I)

Một khi quý vị đã sẵn sàng ký hợp đồng thuê căn hộ, rất có...

  • 30 Tháng Mười Một, 2019
  • Đăng bởi editor
Xem thêm
ĐỂ CON TRẺ PHÁT TRIỂN BÌNH THƯỜNG KHI BỐ MẸ LY HÔN

Hôn nhân tan vỡ là là điều không ai muốn. Tuy nhiên ta chỉ sống...

  • 18 Tháng Mười Một, 2019
  • Đăng bởi editor
Xem thêm