Cũng như đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn, mạng xã hội Facebook, từ lúc ra đời hồi năm 2004 tại Massachusetts cho tới nay, đã mang lại rất nhiều lợi ích cho các facebook-ers, nhưng bên cạnh đó là không ít những điều phiền toái.
Trong số những niềm vui mà Facebook đem lại, có việc kết nối bạn bè, phổ biến thông tin, giải trí, giáo dục, di dưỡng tính tình, quảng cáo mua-bán vật dụng, và chia sẻ các sáng tác văn, thơ hoặc các sáng kiến trong nghệ thuật nấu nướng.
Bên cạnh những niềm vui đó, trang mạng Facebook cũng mang lại nhiều chuyện trái tai, gai mắt cho cư dân mạng khắp nơi khi một số không nhỏ những người dùng trang mạng xã hội này đã sử dụng sai lệch hoặc thậm chí còn lạm dụng các chức năng của Facebook để phục vụ cho lợi ích riêng tư.
Sau một thời gian sử dụng Facebook, và nhất là khi thấy mình luôn được bạn bè kết nối khắp nơi tung hô nồng nhiệt, một số các facebook-ers nảy sinh ý muốn dùng nơi này để khoe khoang các thành tích cá nhân trên đời, từ nhan sắc đến những thành tựu khác trong kinh doanh hay ngay cả trên tình trường, qua những lần hồi đáp “like” hoặc “share” từ các bạn hữu xa gần hay vừa mới quen. Điều này dẫn tới tình trạng người chủ trang Facebook quên mất đi mục tiêu tối hậu của đời mình là mưu tìm hạnh phúc qua công ăn việc làm vững chắc và một gia đình êm ấm mà, thay vào đó, chỉ chuyên lo nghe ngóng những lời khen ngợi hay tâng bốc của bạn bè mỗi khi mình post lên một thành tựu cá nhân nào đó.
Những kẻ dành quá nhiều thời gian cho Facebook có khuynh hướng sống nhiều với thế giới ảo hơn thế giới thật, vì qua Facebook người ta có thể uốn nắn hình ảnh tươi đẹp và thành tích lẫy lừng của mình tùy ý muốn mà không cần phải cố gắng gì nhiều, trong khi thế giới thật đòi hỏi các cá nhân phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn và cụ thể hơn. Điều này dẫn đến sự thể những người “nghiện Facebook” ít hăng hái tham gia các hoạt động bên ngoài như đi du lịch hoặc chơi thể thao hay các hoạt động thiện nguyện, mà thay vào đó chỉ thích đóng cửa ngồi nhà mà êm ả “lướt Facebook” thâu đêm, suốt sáng. Đó là chưa kể thói quen sống khép kín của các dân nghiện Facebook này có thễ dần dà dẫn đến hội chứng “Hikikomori,” một từ ngữ gốc Nhật chỉ hiện tượng những người tự giam mình trong phòng riêng để sinh hoạt một mình và từ chối tham gia vào đời sống bên ngoài xã hội.
Tình trạng lạm dụng Facebook còn dẫn đến những chuyện cười ra nước mắt, ví dụ như một cô gái dùng Facebook làm nơi phô trương tấm nhan sắc đã chỉnh sửa quá nhiều lần của mình, khiến cho người tình mới quen trên mạng của nàng đâm ra hụt hẩng có khi phải “té ngửa” khi tận mắt nhìn thấy dung nhan thật sự của cô gái ngoài đời lúc hai người lần đầu gặp nhau tại điểm hẹn.
Không ít người trong chúng ta, những facebook-ers, mà lại không có hơn một lần bị những người quen biết trên Facebook “tra tấn” bằng những hình chụp được cho là mỹ miều của ai đó để cưỡng ép mọi người phải viết lời bình luận khen ngợi hay tâng bốc theo kiểu “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” của người xưa. Thường thì những hình ảnh cá nhân được đăng trên các trang Facebook là những tuyệt tác đã được chỉnh sửa hàng chục lần qua photoshop, bảo sao chúng chẳng đẹp, chẳng hấp dẫn?
Nhưng Facebook không phải là nơi chỉ có những lời khen ngợi nhau quá đáng được đưa ra mà còn là nơi được dùng để “chơi khăm” người khác nữa. Hồi gần đây, đã có những trường hợp người chủ trang Facebook tung lên những hình ảnh “nhạy cảm” của người khác, phần lớn là hình người khỏa thân hoặc đang ở trong tư thế ái ân, với dụng ý bêu xấu để trả thù duyên kiếp phụ phàng khi họ không thể giết được người trong mộng, một hiện tượng được gọi là “revenge porn”. Không riêng gì trên Facebook, lịch sử showbiz từng cho thấy những trường hợp lộ “clip nóng” trên mạng đã từng làm khốn đốn biết bao giai nhân Việt Nam và quốc tế, như trường hợp của Y.V. và H.T.L. (Việt Nam), Trương Bá Chi và Chung Hàn Đồng (Hồng Kông), Kim Kardashian và Paris Hilton (Mỹ)…
Hiện tượng thích nổi tiếng qua mạng Facebook có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực chỉ vì những “người hùng bàn phím”, bị đẩy vào thế phải giữ lời hứa bất cứ giá nào với cư dân mạng. Hồi năm 2016, có một thanh niên tại Sài Gòn, Việt Nam, đã châm lửa vào người để tự thiêu như cây đuốc rồi nhảy xuống sông chỉ vì anh ta đã trót hứa và được nhiều cư dân mạng tán dương, cổ vũ cho hành động điên rồ đó.
Một điều tiêu cực khác do các hoạt động trên Facebook tạo ra là đôi khi người dùng đã vô tình trở thành kẻ đồng lõa của những tay chuyên tung tin thất thiệt qua trang mạng này chỉ vì thói quen nhấn vào các nút “like” hoặc “share” có sẵn trên Facebook mỗi khi họ bắt gặp các thông tin thú vi hay vui vui mà không kịp kiểm chứng những tin này thật, giả ra sao.
Nghĩ cho cùng, giống như các tiện nghi khác trong đời sống con người, Facebook cũng có mặt phải và mặt trái của nó. Cho tới nay, dường như trong số những lợi ích thiết thực mà Facebook mang lại cho cư dân mạng gồm có việc sử dụng Facebook làm nơi lưu giữ các kỷ niệm của bản thân, gia đình và bè bạn; kết bạn tâm tình hoặc bồi đắp tình cảm thương yêu, gắn bó với các thành viên khác trong cộng đồng; và việc sử dụng trang mạng này làm nơi quảng bá những thành tựu cá nhân phục vụ cho lợi ích cộng đồng có giá trị với mọi người mà khỏi phải tốn kém gì như khi đem xuất bản các tác phẩm đó.
VANN PHAN